Gpa English

Nhiều trường trên thế giới đẩy mạnh phong trào sinh viên khởi nghiệp

22/07/2019 | 1357

Đào tạo khởi nghiệp không chỉ được đẩy mạnh tại các trường đại học như NUS, Harvard, MIT mà còn ở các trường phổ thông, đặc biệt là Mỹ.

Năm 2001, trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho ra đời một chương trình đào tạo mang tên National Overseas Colleges (NOC). Đây là chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên tại các thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Silicon Valley, New York và Stockholm.

Qua đó sinh viên NUS được đưa ra nước ngoài thực tập tại các công ty khởi nghiệp trong vòng một năm. Tới nay, NUS đã có 2.800 sinh viên hoàn thành chương trình và hàng năm trường nhận tới hơn 1.000 hồ sơ cho hơn 100 suất. Hiện NOC đã có mặt tại 12 thành phố trên toàn cầu.

Giáo sư Wong Poh Kam giới thiệu về chương trình National Overseas Colleges (NOC) tại Innovfest Unbound

Tại hội thảo công nghệ Innovfest Unbound 2019 ở Singapore tháng 6 vừa qua, NUS lần đầu công bố đánh giá của trường về hiệu quả chương trình đào tạo này tới sự nghiệp của các sinh viên cũng như sự ra đời của các công ty startups tại Singapore và ở các nước khác. Đánh giá dựa trên khảo sát gần 1.000 cựu sinh viên và có điều chỉnh loại bỏ những yếu tố ngoại cảnh có thể làm ảnh hưởng tới kết quả.

Theo Giáo sư Wong Poh Kam, một trong những sáng lập viên của chương trình, NOC đã có tác động tích cực tới phong trào khởi nghiệp ở Singapore. Bằng chứng là 556 cựu sinh viên đã tham gia sáng lập 665 doanh nghiệp trên toàn cầu và huy động được hơn 670 triệu đô la Mỹ tiền vốn đầu tư, chiếm 3,3% tổng 21 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư khởi nghiệp tại Singapore.

Các sinh viên tham gia NOC có xác suất thành chủ doanh nghiệp cao hơn gấp 10 lần sinh viên NUS khác.

"Điều đáng chú ý là những sinh viên tham gia chương trình đào tạo khởi nghiệp NOC có xác suất trở thành chủ doanh nghiệp cao hơn gấp 10 lần các sinh viên NUS khác, và họ không chỉ lập doanh nghiệp ở Singapore mà còn khởi nghiệp ở nhiều nước khác", Giáo sư Wong cho biết.

Theo ông, để có một nền kinh tế năng động và tăng trưởng tốt, các quốc gia cần liên tục sản sinh ra những "tài năng khởi nghiệp" mới. Những yếu tố tự nhiên như thiên hướng, năng khiếu chỉ chiếm khoảng 30% lý do một cá nhân trở thành doanh nhân. "Có tới 70% còn lại là do môi trường, gia đình, xã hội và đào tạo mà ra," ông cho biết.

Đây cũng là lý do rất nhiều trường đại học trong thập kỷ gần đây đã thành lập các chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên qua các quỹ ươm mầm (incubator) hoặc thực tập tại các doanh nghiệp. Từ các trường hàng đầu thế giới như Harvard, MIT và Stanford tới những trường nhỏ hơn như University of Waterloo (Canada), hàng trăm trung tâm và quỹ ươm mầm đã ra đời nhằm hỗ trợ các tài năng kinh doanh ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngay tại Singapore, ngoài NUS thì trường Đại học Singapore Management University (SMU) từ 10 năm nay đã thiết lập học viện sáng tạo và khởi nghiệp để cung cấp các khoá đào tạo và các cuộc thi khởi nghiệp, cấp vốn cho sinh viên và cựu sinh viên có ý tưởng kinh doanh độc đáo. Ở Canada, trường Đại học Waterloo ở Ontario tự coi là có chương trình ươm mầm khởi nghiệp (miễn phí) lớn nhất thế giới. Trong 10 năm qua sinh viên của trường đã sáng lập 175 công ty, tạo việc làm cho 800 người và huy động hơn 300 triệu đô-la tiền vốn.

"Kinh doanh khởi nghiệp đòi hỏi va chạm thực tế, nên đào tạo qua trải nghiệm trong môi trường có hệ sinh thái và mạng lưới xã hội phù hợp là then chốt giúp các em thành công", Giáo sư Wong cho biết.

Đào tạo khởi nghiệp không chỉ đang được đẩy mạnh tại các trường đại học mà còn lan toả ở các trường phổ thông, đặc biệt ở Mỹ. Khác với ươm mầm khởi nghiệp ở bậc đại học, các chương trình khởi nghiệp phổ thông hướng tới mục tiêu phát triển kỹ năng và khám phá bản thân nhiều hơn là ươm mầm. Những học sinh có thiên hướng yêu thích kinh doanh có thể tìm thấy ở các chương trình này một sân chơi bổ ích để thử thách bản thân với những kiến thức cơ bản về kinh doanh, tài chính, thị trường và hàng loạt kỹ năng mềm, kỹ năng sống quan trọng.

Ở Mỹ các chương trình khởi nghiệp cho học sinh phổ thông được biết đến nhiều nhất là Lemonade Day, SAGE Global, NFTE và Junior Achievement (JA). Tại Việt Nam, JA đã xuất hiện ở một số trường phổ thông theo dạng học tập ngoại khoá.

Tháng 3/2019, SAGE Global đã thâm nhập thị trường Việt Nam do Công ty Cổ phần Golden Path Academics Việt Nam (GPA) triển khai. SAGE Vietnam hiện tổ chức đào tạo, cố vấn cho các đội và sẽ là đối tác chuyển giao chương trình tới các trường phổ thông muốn triển khai hoạt động tại nhà trường.

"Chương trình áp dụng phương pháp ‘học qua dự án’, tốt cho việc giúp trẻ phát triển năng lực học tập và tư duy ở cấp độ cao. Những kỹ năng này giúp trẻ ứng dụng được vào cả việc học tập tại trường và công việc sau này khi ra trường," bà Đào Thu Hiền, Tổng giám đốc GPA cho biết.

Tháng 6, SAGE Vietnam đã tổ chức chương trình thí điểm, trong đó 4 đội gồm 24 học sinh đến từ các trường phổ thông trong địa bàn Hà Nội đã xây dựng và trình bày ý tưởng khởi nghiệp của mình. Hai đội mạnh nhất sẽ mang sản phẩm đề xuất của các em sang Mỹ dự thi vào tháng 8/2019.

Hiện, SAGE Vietnam tiếp tục tìm kiếm những gương mặt xuất sắc đại diện cho Việt Nam tham dự Sage World Cup 2020. Độc giả tìm hiểu thêm thông tin về Sage World Cup tại đây. 

Đăng ký tư vấn và tuyển sinh tại: http://bit.ly/2QMD2MP

(Nguồn: SAGE Vietnam)

Link Vnexpress: click vào ĐÂY