Gpa English

Tìm hiểu về Critical Thinking – Tư Duy Phản Biện

03/08/2017 | 1357

Critial Thinking – Tư Duy Phản Biện xuất hiện khá lâu ở các nước phương Tây. Tuy nhiên ở Việt Nam, khái niệm này còn rất mới mẻ và trừu tượng. Vậy rốt cuộc Tư Duy Phản Biện là gì? Nó có vai trò như thế nào trong cuộc sống? Hãy cùng GPA English tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Tư Duy Phản Biện là gì?

Cách đây 2000 năm, Socrates đã tiếp cận và nhận ra sự tồn tại của Tư Duy Phản Biện. Nhưng phải đến khi John Dewey – nhà triết học, tâm lý, giáo dục người Mỹ đưa ra định nghĩa sâu sắc về vấn đề này, nó mới được biết đến rộng rãi.

Theo một khái niệm khái quát nhất, được thừa nhận nhiều nhất thì "Tư Duy Phản Biện là một phạm trù chỉ sự suy luận theo lối mở, không bị hạn chế, số lượng các giải pháp là không giới hạn, bao hàm cả việc xây dựng các điều kiện, các quan điểm và ý tưởng đúng đắn để đi đến kết luận vấn đề".

Hiểu một cách đơn giản hơn thì tư duy phản biện chính là một quá trình tư duy nhằm chất vấn lại các giả định hay giả thiết nào đó. Người ta dùng nó để chứng minh một nhận định nào đó là đúng hay sai, từ đó đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề.

Tư Duy Phản Biện có thể phân làm 2 loại: Tư Duy Tự Phản Biện – Tư Duy Phản Biện Ngoại Cảnh. Tư Duy Tự Phản Biện là tự mình phản biện lại những ý nghĩ, hành động của chính bản thân mình. Trong khi đó, Tư Duy Phản Biện Ngoại Cảnh là việc thu thập, tiếp nhận những thông tin ngoại cảnh từ nhiều chiều để phân tích, đánh giá về những sự vật, sự việc khác.

Thông thường, chúng ta hay có xu hướng phê phán người khác nhiều hơn chứ ít ai phê phán chính mình. Khi đưa ra một ý kiến, chúng ta hay bảo vệ ý kiến đó thay vì tự mình đào sâu tìm hiểu, phân tích kĩ lưỡng để nó trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Các giai đoạn của quá trình Tư Duy Phản Biện

2. Vai trò của Tư Duy Phản Biện

- Tư Duy Phản Biện là nhân tố thúc đẩy cá nhân phát triển toàn diện.

Người có Tư Duy Phản Biện sẽ mạnh về các mặt dưới đây:

➢ Khả năng Quan sát: Quan sát ở đây không phải chỉ là nhìn mà là phải hiểu. Từ hoạt động quan sát bên ngoài, người có Tư Duy Phản Biện sẽ nhận ra được bản chất ẩn chứa phía trong. Nó bắt nguồn từ việc mỗi sự vật, hiện tượng đều có tính 2 mặt. Và Tư Duy Phản Biện sẽ giúp chúng ta nhìn được mặt mà ít người lưu tâm.

➢ Tính tò mò, ham khám phá: Sau khi hiểu được bản chất của vấn đề, người có Tư Duy Phản Biện sẽ xem xét chúng ở nhiều góc độ khác nhau. Họ liên tục đặt ra những câu hỏi liên quan, đặc biệt là những câu như Tại sao? Làm thế nào? Quan trọng nhất là không đi theo suy nghĩ lối mòn của xã hội mà sẽ có những chính kiến riêng của mình. Đồng thời, họ cũng luôn chủ động tìm kiếm câu trả lời để đưa ra những quyết định chính đáng cuối cùng.

➢ Tư duy logic: Tư duy logic sẽ giúp kết nối các mắt xích lại với nhau. Tư duy logic bổ trợ cho Tư Duy Phản Biện và ngược lại. Có tư duy logic, chúng ta nhìn nhận sự việc rõ ràng và có tính hệ thống hơn. Từ đó, nó giúp cho quá trình lập luận, giải quyết vấn đề trở nên nhanh chóng và hiệu quả. Tư Duy Phản Biện thì giúp xem xét, đánh giá vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, giúp chúng ta dễ dàng nhận ra các mối liên quan mật thiết giữa chúng.

➢ Kỹ năng ra quyết định: Ra quyết định là một quá trình bao gồm các giai đoạn: Gọi tên vấn đề - Xác định đối tượng liên quan – Tìm nguyên nhân – Đưa ra giải pháp – Tổ chức thực hiện. Khi bạn đã có đầy đủ các phân tích, đánh giá cần thiết, bạn sẽ đưa ra được quyết định chặt chẽ và chính xác, giảm tính rủi ro khi thực hiện.

➢ Bản lĩnh, tự tin: Người có Tư Duy Phản Biện đặc biệt luôn "hoài nghi" với các sự vật hiện tượng, đặc biệt là những thứ mới gặp lần đầu. Đứng trước một người lạ, chưa tin tưởng được họ sẽ soi xét kỹ hơn, không dễ bị mắc lừa hay rơi vào những tình huống dở khóc dở cười do thiếu tinh thần cảnh giác. Không chỉ thế, khi đánh giá một vấn đề, họ sẽ không bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân (bất kể tiêu cực đến đâu) mà luôn đặt bản thân đứng ở một vị trí khách quan, hợp lý.

Trẻ có tư duy phản biện sẽ dễ dàng thành công trong học tập và công việc

- Tư Duy Phản Biện là yếu tố quan trọng để thành công.

➢ Trong học tập:

Tư Duy Phản Biện sẽ giúp học sinh học tập một cách chủ động và tích cực hơn. Thay vì đọc – chép kiểu thụ động thông thường, các em sẽ được thôi thúc tìm tòi, khám phá những kiến thức bổ ích và cần thiết. Việc học trở nên thú vị và hấp dẫn hơn hẳn. Bên cạnh đó, do bản thân luôn luôn phải đào sâu suy nghĩ, các kỹ năng sáng tạo, lập luận, phân tích… cũng trở nên nhạy bén và xuất sắc hơn. Lượng kiến thức tiếp thu tuy nhiều, sâu nhưng lại không hề vất vả, căng thẳng.

➢Trong công việc:

Thế kỷ 21 được cho là kỷ nguyên dựa vào kỹ năng mà ở đó, tư duy đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tư duy phản biện chính là kỹ năng giúp phân biệt người lãnh đạo và kẻ theo gót. Những người lãnh đạo thường có khả năng nhận định, phân tích, lập luận vượt trội và nhìn xa trông rộng hơn những kẻ nối gót. Bộ não của họ liên tục vận động, suy nghĩ, dự tính để tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề trong cuộc sống.

Nếu muốn thành công trong kinh doanh, Tư Duy Phản Biện lại càng cần thiết. Bởi nó giúp cho chúng ta đánh giá được vấn đề, nhận ra những tiềm năng mà đối thủ  không nhìn thấy, và chớp lấy những cơ hội thông qua những quyết định đúng đắn.

Chính vì thế, nền giáo dục của các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Canada, và thậm chí cả Do Thái luôn chú trọng đến việc rèn luyện Tư Duy Phản Biện, Văn Hóa Phản Biện cho trẻ. Với mỗi bài học, các em thường thực hiện theo hệ thống PEE (Point – Nêu ra, Envidence – Bằng chứng, Explain – Giải thích) để thể hiện quan điểm của mình. Bên cạnh đó, giáo viên cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tranh biện. Một lớp sẽ chia ra làm nhiều nhóm để bảo vệ những ý kiến đối lập. Ví dụ có nhóm sẽ nói rằng mùa hè đẹp nhất, nhóm kia lại khẳng định mùa đông đẹp hơn. Sau khi tranh biện xong, cả lớp sẽ ngồi lại với nhau để tổng kết lại vấn đề cũng như các kỹ năng đã được rèn luyện.

Trẻ nên học Tư Duy Phản Biện càng sớm càng tốt. Bởi khả năng trí tuệ có ngay từ khi sinh ra nhưng nó phát triển mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 6-15 tuổi. 16 tuổi, bộ não gần như đã trưởng thành, việc thay đổi tư duy, lối tiếp cận sẽ càng khó khăn hơn.

Đáng tiếc là ở các trường học tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự chú trọng đến giảng dạy Tư Duy Phản Biện cho trẻ. Chính vì thế, học sinh của chúng ta luôn thụ động, bị bủa vây bởi áp lực nặng nề, ồ ạt đi học thêm ngoại ngữ, không có cả thời gian vui chơi giải trí.

Sau 8 năm nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục trong nước và quốc tế, GPA đã mang đến một chương trình giảng dạy hoàn toàn khác biệt, đào tạo song hành cả tiếng Anh và Tư Duy Phản Biện. Các lớp học của chúng tôi được áp dụng mô hình "Lớp học đảo ngược" (Flipped classroom) - Một trong những mô hình dạy và học tiên tiến nhất hiện nay.

Ý tưởng chủ chốt của "Lớp học đảo ngược" là học sinh tư duy về chủ đề trước khi tới lớp còn thời gian trên lớp để dành cho việc thảo luận. Lợi ích lớn nhất của mô hình này là phát triển tốt hơn năng lực của từng học sinh bằng cách tăng thời gian cho việc đào sâu suy nghĩ (high level thinking) và giảm thời gian tiếp thu bị động (low level thinking). Chương trình học không chỉ thú vị mà còn đem đến cho học viên đầy đủ: Ngôn ngữ  - Tư Duy – Kỹ Năng và Trải Nghiệm – những nhân tố thiết yếu để bước vào thế giới với sự tự tin.