Gpa English

Sự tò mò - Yếu tố đầu tiên giúp hình thành tư duy phản biện ở trẻ

27/11/2018 | 1357

Trẻ nhỏ rất tò mò, bằng sự quan sát, khám phá, đặt câu hỏi, tự hỏi, và qua đó trẻ học. Khi chúng ta tò mò về một điều gì mới, ta sẽ muốn khám phá, và khi khám phá ra ta nhận thức. Trí tò mò chính là động lực cho sự phát triển của trẻ nhỏ và là yếu tố đầu tiên giúp trẻ hình thành tư duy phản biện.

Đối với các bạn nhỏ, thế giới xung quanh từ cái máy bay, ô tô cho tới cái túi lưới đựng hoa quả thậm chí lõi giấy vệ sinh đều có sức hấp dẫn và mời gọi trí tò mò khám phá như nhau. Vì vậy, việc yên lặng, đứng bên ngoài của cha mẹ để cho con thời gian được tự mình khám phá bằng đôi mắt, đôi tay, được sờ, cảm nhận rồi tự rút ra cho mình những nhận định sẽ giúp các bạn ấy có được trải nghiệm chân thật và say mê nhất.

Tuy nhiên, nếu không được kích thích thường xuyên, sự tò mò của trẻ có thể giảm dần đi, và điều này sẽ dẫn đến những trì trệ trong tương lai. Những đứa trẻ ít tò mò sẽ ít có bạn, ít tham gia vào các hoạt động xã hội, ít đọc sách hơn. Dạy dỗ cho những trẻ này khó khăn hơn bởi khó truyền cảm hứng, khuyến khích và thúc đẩy hơn so với các trẻ khác. Vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích con qua các cách dưới đây để con tự khám phá cuộc sống và trí tò mò được phát huy nhiều nhất:

- Cho con thời gian, cơ hội để tự quan sát, nhận định, khám phá

- Đừng hướng dẫn con quá chi tiết mà hãy để con tự tìm tòi

- Thay vì trả lời ngay các câu hỏi, hãy đặt lại các câu hỏi gợi mở hoặc đưa ra các gợi ý

- Khuyến khích con tìm thông tin ở những nguồn khác nhau

- Thường xuyên tạo cơ hội cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa bên ngoài